Hội chứng ruột kích thích là một trong những bệnh đường tiêu hóa rất hay gặp hiện nay. Bệnh có những biểu hiện giống viêm đại tràng cấp và mãn tính như thay đổi tính chất phân và số lần đại tiện hoặc có kèm theo đau quặn bụng, tuy nhiên bệnh lại không có tổn thương thực thể tại niêm mạc đại tràng. Bệnh có thể gặp ở nhiều lứa tuổi và ngành nghề khác nhau, thậm chí xuất hiện ngày càng nhiều ở các nước phát triển. Trong đó theo ước tính ở Mỹ, có khoảng 1/7 số nam giới bị mắc chứng bệnh này. Biểu hiện triệu chứng và tác nhân gây ra bệnh ở mỗi người là khác nhau. Nguyên nhân chính xác của hội chứng ruột kích thích đến nay vẫn chưa được xác định, nhưng hầu hết các chuyên gia cho rằng nó liên quan đến rối loạn nhu động ống tiêu hóa và tăng tính nhạy cảm của ruột già. 1. Rối loạn nhu động ống tiêu hóa do các nguyên nhân khác nhau. Thức ăn qua miệng hầu họng vào dạ dày được tiêu hóa một phần sau đó chuyển xuống ruột non, các chất dinh dưỡng hầu hết được hấp thụ tại đây, các chất cặn bã được chuyển xuống ruột già và thải ra ngoài. Tại các đoạn của ống tiêu hóa thức ăn được vận chuyển là nhờ sự co bóp nhịp nhàng của các nhu động ruột. Bất cứ một yếu tố nào làm ảnh hưởng đến sự co bóp này đều gây ra các vấn đề về tiêu hóa khác nhau như: ợ hơi, ợ chua, nôn, nấc, tiêu chảy, táo bón,... Đối với những người bị hội chứng ruột kích thích thì quá trình này bị thay đổi, dẫn đến tình trạng thực phẩm di chuyển qua hệ thống tiêu hóa quá nhanh hoặc quá chậm. Nếu quá trình này diễn ra quá nhanh gây ra hiện tượng tiêu chảy bởi hệ thống tiêu hóa của bạn không có đủ thời gian để hấp thụ nước từ thức ăn. Các nhu động ruột tăng cao, sự co bóp để tống phân ra ngoài liên tục dẫn đến tình trạng tiêu chảy, sống phân, phân lỏng nát,... Nếu các chất cặn bã bị lưu lại tại đại tràng quá lâu, nhu động đại tràng giảm co bóp để đẩy phân ra ngoài sẽ gây táo bón vì quá nhiều nước được hấp thụ, dẫn đến tình trạng phân bị cứng và khô, đại tiện khó. Trong trường hợp ăn quá nhanh và ăn quá nhiều một lúc cũng ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của ruột. 2. Tăng tính nhạy cảm của ruột. Sự nhạy cảm quá mức của hệ thống thần kinh ruột già cũng có thể dẫn đến hội chứng ruột kích thích. Các dây thần kinh trong hệ thống tiêu hóa phát ra tín hiệu đến bộ não để cho biết bạn đang đói, đang no hay cần phải đi vào nhà vệ sinh. Một số chuyên gia cho rằng, những người bị hội chứng ruột kích thích có thể quá nhạy cảm với các tín hiệu thần kinh tiêu hóa. Đối với người bình thường, chứng khó tiêu nhẹ có thể là không có gì đáng chú ý và cơ thể thường tự điều chỉnh để các chức năng tiêu hóa trở về bình thường. Nhưng với người bị hội chứng ruột kích thích thì tính nhạy cảm của thần kinh ruột luôn ở mức độ cao nên chỉ cần một dấu hiệu bất thường từ ổ bụng, thức ăn, căng thẳng, thời tiết,... cũng có thể dẫn đến hiện tượng đau quặn bụng và đi ngoài ngay lập tức. 3. Yếu tố tâm lý Yếu tố tâm lý đóng một vai trò quan trọng đối với bệnh nhân mắc chứng ruột kích thích. Điều này không chỉ xảy ra đối với những bệnh nhân đang mắc chứng bệnh này, mà đối với nhiều người không bị mắc bệnh, sự căng thẳng, tâm lý lo âu cũng dẫn đến rối loạn tiêu hóa. Vì vậy, việc giải tỏa tâm lý, sống lạc quan là điều rất cần thiết. 4. Thực phẩm Một số thực phẩm và đồ uống có thể gây ra các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích. Tuy nhiên, sự nhạy cảm với thức ăn của mỗi người là khác nhau. Những nhóm thức ăn phổ biến mà ai cũng thường gặp phải là: Rượu, đồ uống có gas, cocola, đồ uống có chứa caffeine như trà, cà phê, đồ ăn nhanh như khoai tây chiên, bánh quy, thực phẩm chiên, xào… Việc xây dựng chế độ ăn uống hợp lý là điều rất cần thiết đối với người bị hội chứng ruột kích thích. Ngoài ra, người bệnh nên tập luyện các bài tập thể dục, chơi những môn thể thao giúp tinh thần sảng khoái, giảm stress sẽ góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ điều trị căn bệnh này. Phương Thúy